Tín dụng: Tăng trưởng song hành cùng chất lượng
Ngân hàng Nhà nước: Đến cuối tháng Tám, tín dụng tăng 9,91% |
GS.TS. Trần Thọ Đạt |
Ông nhận định ra sao về định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay của NHNN?
Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, cao hơn tăng trưởng tín dụng thực tế của 2 năm 2020 (12,17%) và 2021 (13,61%). Tính đến hết tháng 8 dư nợ tín dụng đã tăng 9,91% so với cuối năm 2021 cũng là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Rõ ràng với đà phục hồi của nền kinh tế đang duy trì, mà thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với yêu cầu của nền kinh tế, khiến nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng tăng cao là đương nhiên.
Song áp lực lạm phát gia tăng đang đặt NHNN trước thế “lưỡng nan”: Phải cân đối mục tiêu của hai biến số tăng trưởng nhanh và kiểm soát lạm phát. Theo tôi, giải pháp tiền tệ không nên ở trạng thái “quá rón rén”, nhưng cũng không được “quá mạnh”. Thế nên, quan điểm của NHNN là điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, nhưng “có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế quá trình phục hồi kinh tế” bao gồm diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, tôi cho là phù hợp. Tức là không quá rón rén nhưng không quá mạnh như tôi vừa nói trên.
Có ý kiến cho rằng, NHNN nên nới thêm room tín dụng để nền kinh tế có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Phải thừa nhận là nhu cầu vốn thông thường sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm. Tuy nhiên năm nay có đặc thù là năm phục hồi sau đại dịch, do đó nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh ngay trong giai đoạn đầu năm. Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước có 101.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, nhu cầu vốn cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đầu tư mới vẫn còn khá lớn.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là do tác động tiêu cực của đại dịch, khả năng suy giảm chất lượng tài sản, nguy cơ nợ xấu phát sinh dẫn đến tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống. Các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia vẫn duy trì cảnh báo xu hướng tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây, đặc biệt từ năm 2020 (năm 2021 là 124% GDP), gây rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính. Mặt khác, tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động vốn thị trường đối với VND của toàn hệ thống hiện ở mức rất cao trong những năm gần đây.
Ngoài ra, áp lực lạm phát có xu hướng tăng trong năm 2022 và cả năm 2023. Đây là “ràng buộc” lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong việc giải bài toán điều hành tín dụng để vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn.
Tôi cho rằng, việc NHNN giữ quan điểm điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát là định hướng đúng, nhất quán, tránh được các rủi ro bất ổn mà phải mất nhiều năm mới khắc phục được với phí tổn lớn như của giai đoạn 2008 - 2011.
Theo tôi điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện tại là cần phải nâng cao chất lượng và hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ. Chỉ có như vậy mới có thể phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn và giảm áp lực lạm phát từ tín dụng.
Vậy ông có khuyến nghị gì để nâng cao hiệu quả tín dụng?
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng, NHNN đã có thông điệp khá rõ ràng về các tiêu chí cấp room tín dụng như kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN; xem xét cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém, việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tín dụng tập trung vào lĩnh vực rủi ro… Từ đó điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu trong quá trình phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho từng TCTD.
Thực tế ngay từ đầu năm, NHNN đã sử dụng kết quả xếp hạng chính thức từng TCTD để phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đến nay, NHNN tiếp tục cập nhật kết quả xếp hạng theo số liệu mới nhất và tình hình hoạt động của TCTD, diễn biến thị trường đang được sử dụng để rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.
Điều đó cho thấy NHNN đang kiên định về các “tiêu chí” phân bổ tăng trưởng tín dụng cho các TCTD. Tôi cho rằng, việc phân bổ theo các tiêu chí trên là phù hợp, đảm bảo tín dụng tăng trưởng lành mạnh, hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!