Tìm giải pháp để DNNVV và ngân hàng “xích lại gần nhau”
Ngành Ngân hàng hỗ trợ tích cực DNNVV
Liên quan đến DNNVV, thời gian qua các NHTM Nhà nước, các NHTMCP đều thành lập ban chuyên môn chỉ tập trung cho vay đối với khách hàng là DNNVV. Tính hiệu quả của hoạt động này rất cụ thể khi trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, thì dư nợ cho vay DNNVV đạt khoảng 2,3 triệu tỷ đồng. Xét về tỷ lệ cho vay thì dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với DNNVV khi thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo về chính sách hỗ trợ DNNVV phục hồi và phát triển sau đại dịch. Gần đây nhất, Thường trực Chính phủ đã có buổi làm việc với Ngành Ngân hàng và Hiệp hội DNNVV để nâng cao khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Qua đó Thủ tướng đã đưa ra những chỉ đạo rất sát với thực tế, khiến cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng.
Về góc độ của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, tôi đánh giá rất cao nỗ lực ngành Ngân hàng, đặc biệt là NHNN. Nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của NHNN là giữ vững được sự ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát và góp phần kinh tế vĩ mô. Nhìn lại thời gian qua, không chỉ làm tốt nhiệm vụ này, NHNN còn triển khai tốt nhiệm vụ rất quan trọng khác, đó là giảm lãi suất điều hành tới 4 lần với mức giảm từ 0,5%/năm - 2%/năm, từ đó tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận chi phí vốn hợp lý. Đây là nỗ lực rất lớn của NHNN, bởi trong bối cảnh kinh tế biến động phức tạp khiến cho việc điều hành chính sách tiền tệ rất khó khăn, nhưng NHNN đã hóa giải áp lực, hoàn thành các mục tiêu đề ra là giảm mạnh mặt bằng lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời giữ ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền, kiểm soát tốt lạm phát, tỷ lệ nợ xấu, đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội.
Đến thời điểm này, phải khẳng định lại lần nữa về mức độ quan tâm, hỗ trợ đối với DNNVV của ngành Ngân hàng là rất lớn. Song hiện nay, có một thực trạng đó là những doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng cũng tương đối nhiều. Nguyên chính là do bản thân doanh nghiệp chưa chứng minh được năng lực hoàn trả vốn cũng như chứng minh năng lực quản lý, minh bạch tài chính…
Vấn đề “hậu kiểm” vẫn đang là một thách thức lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp |
Tăng trưởng tín dụng không thể bằng ý chí
Tăng trưởng tín dụng, hay nói một cách mộc mạc câu chuyện cho vay không thể phụ thuộc vào ý chí. Đối với chuyện cho vay thường có hai trường hợp: người muốn vay chưa vay được; hoặc người vay không muốn vay. Trong giai đoạn bình thường thì thường xảy ra trường hợp người muốn vay chưa vay được. Nhưng trong thời điểm hiện nay cả hai trường hợp trên đang xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có thể thấy rõ nhất đó là chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu, nhập khẩu bị đứt gãy nên cả doanh nghiệp lớn, DNNVV cung ứng cho chuỗi đó không có đơn đặt hàng. Khi không có đơn đặt hàng thì doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.
Ở đây chúng ta phải xác định rõ, khi người vay có nhu cầu vay mà ngân hàng không cho vay thì mới cần phải tháo gỡ. Nhưng nếu không có nhu cầu mà bắt họ phải vay hay vì một áp lực nào đó ngân hàng phải cho vay rất nguy hiểm. Do đó, không được cho vay bằng ý chí. Khi đánh giá hoạt động tín dụng đừng đặt nặng về thành tích cho vay nhiều hay ít mà phải quan tâm đến hiệu quả. Nhiều hay ít do điều kiện khách quan chứ không chỉ nhìn thấy ngành Ngân hàng tỷ lệ cho vay năm nay thấp hơn năm trước lại cho rằng phía ngân hàng gây khó khăn.
Thực tế, những năm kinh tế phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi thì hoạt động cho vay tích cực hơn, tăng trưởng tín dụng cao hơn. Còn 6 tháng vừa qua, tác động của kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa đứt gãy, chính vì vậy, các nhà sản xuất họ không có nhu cầu vay vốn.
Một lý do mang tính cố hữu ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của DNNVV là quản trị điều hành, tính chuyên nghiệp, vốn tự có… còn yếu.
Về phía ngành Ngân hàng, thời gian qua ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực tiết kiệm chi phí hoạt động, sẵn sàng giảm lãi suất, san sẻ gánh nặng chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, quy trình thủ tục cho vay cũng rút gọn; doanh nghiệp cũng được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Có thể nói việc gì làm được trong khả năng của mình ngành Ngân hàng đã làm hết. Còn về điều kiện cho vay ngân hàng không thay đổi được vì phải đảm bảo cho vay vốn đúng mục đích, minh bạch, hiệu quả… Điều này cũng hoàn toàn phù hợp bởi ngân hàng huy động vốn của người dân để cho vay nên phải đảm bảo an toàn đồng vốn đó.
Nâng tầm DNNVV
Từ thực tế trên cho thấy nguyên nhân quan trọng nhất khiến tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu là do yếu tố khách quan. Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn, giảm lãi suất chỉ là một phần, không thể giải quyết được tất cả. Vấn đề của DNNVV đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ là tiếp cận vốn.
Vậy nên vấn đề cho vay không thể bằng ý chí của một bên nào mà hai bên cùng nghiên cứu khó khăn, vướng mắc để tìm ra giải pháp hợp tác hỗ trợ nhau. Mỗi người đứng ở vị trí của nhau thì hiểu lý do tại sao không cho vay được, tại sao không vay được. Đây là điểm mấu chốt cần tháo gỡ. Khi tháo gỡ được khoảng cách người cho vay và người đi vay sẽ luôn gần nhau.
Về phía doanh nghiệp, nhất là đối với DNNVV cần phải nâng tầm trình độ quản lý, năng lực tài chính… Khi sức khoẻ, trình độ của doanh nghiệp được nâng tầm thì ngành Ngân hàng mới có thể hỗ trợ cho vay được nhiều hơn. Còn khi họ vẫn thấy chưa đảm bảo các yêu cầu, điều kiện vay thì vẫn còn thận trọng. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, về mặt chiến lược, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ phải làm sao hỗ trợ, nâng tầm DNNVV thông qua nhiều giải pháp như: Chính phủ sớm có đề nghị sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất, nhằm phát triển ổn định, lâu dài. Tập trung thực thi có hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững, phát triển chuỗi… Làm được điều ấy với lực lượng gần 800 nghìn doanh nghiệp trong đó DNNVV chiếm 97% chắc chắn sẽ hấp thụ được vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển.
Đó là mục tiêu dài hạn, còn trước mắt, Hiệp hội DNNVV, NHNN cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ sớm tháo gỡ được khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, sớm tiếp cận được vốn. Chẳng hạn về điều kiện cho vay, liệu thời điểm này có hạ thấp được không? Bản thân ngân hàng không thể làm được bởi họ cho vay theo đúng quy định pháp luật. Nếu không có đột phá về mặt thể chế, các ngân hàng không thể mạnh dạn cho vay được. Điều mà doanh nghiệp rất mong muốn được tháo gỡ để làm sao ngân hàng cho DNNVV vay vốn nhiều hơn, nhưng đảm bảo an toàn không bị mất vốn. Trong bối cảnh hiện nay rất cần hướng giải pháp thực tế, thiết thực dựa trên cân đối giữa cái được – mất.
Đối với chính sách khác, nhất là chính sách tài khoá cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc. Vấn đề “hậu kiểm” vẫn đang là một thách thức lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động “hậu kiểm” vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt hơn. Do đó, các doanh nghiệp rất ngại tiếp cận chính sách có liên quan đến ngân sách nhà nước. Cụ thể hiện nay là chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ. Do vậy, để DNNVV tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách dễ dàng, thuận lợi, thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán.
Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank Triển khai đồng bộ giải pháp khơi dòng tín dụng Trong thời gian chống chọi với Covid-19, chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn, chính sách cấm vận, cạnh tranh chiến lược kéo dài, đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, sức cầu cả trong nước và quốc tế giảm thấp, hàng tồn kho tăng cao, quan hệ kinh tế, thương mại suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, mặc dù Agribank đưa rất nhiều giải pháp như lãi suất cho vay của Agribank đã giảm từ 2-4% (tuỳ theo đối tượng khách hàng) nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Ngoài giảm lãi suất, Agribank tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc trực tiếp tại các chi nhánh trong toàn hệ thống để đánh giá nguyên nhân, tìm ra giải pháp tăng trưởng tín dụng. Việc tín dụng tăng trưởng thấp của Agribank vừa do tính chất mùa vụ trong hoạt động nông nghiệp nhưng bên cạnh đó còn do những nguyên nhân cơ bản như: khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay như có khách hàng vay để đảo nợ tránh nợ xấu tại ngân hàng khác, vay để cơ cấu lại tài chính, thanh toán trái phiếu đã phát hành nhưng không đáp ứng điều kiện vay; hoặc là khách hàng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường tiêu thụ, thậm chí khi có nguồn sẵn sàng trả để giảm dư nợ để chờ thời cơ phục hồi kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt phải khơi thông được giải ngân đầu tư công, qua đó sẽ góp phần tăng nguồn lực cho nền kinh tế, nâng sức cầu trong nước. Về phía Agribank, 6 tháng cuối năm, toàn hệ thống sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành cùng Chính phủ, NHNN thực hiện các Chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Agribank tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình cân đối vốn, chủ động dự báo để điều hành linh hoạt lãi suất, chi phí điều vốn nội bộ... nhằm đảm bảo cân đối, tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Trong công tác tín dụng, Agribank tiếp tục chủ động, linh hoạt bám sát diễn biến thị trường, tập trung tăng trưởng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực có dấu hiệu phục hồi tốt, giữ vững thị phần... Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng, sản phẩm hiện có, tập trung xây dựng, triển khai kịp thời các chương trình, sản phẩm tín dụng mới có tính ổn định, kế thừa, phù hợp với từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại từng địa bàn nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả… Ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, SHB Tích cực giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay Qua thực tế tiếp xúc với doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động của khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dòng tiền gián đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Cùng với đó, giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Điều này dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Mặt khác, nguồn vốn thị trường như chứng khoán và thị trường bất động sản phục hồi chậm. Dù cũng gặp phải những khó khăn chung của toàn Ngành song SHB vẫn đang nỗ lực tiến về phía trước. Với mong muốn đồng hành và san sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, SHB tiên phong triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất ngắn và trung hạn dành cho doanh nghiệp. Đơn cử như Chương trình tín dụng với tổng quy mô lên đến 6.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh 2023 – 2024 với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Đồng thời, ngân hàng đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới. Ngân hàng đang số hóa toàn bộ quy trình cho vay để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Trong thời gian tới đây, SHB sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về việc đơn giản hoá quy trình cho vay, tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và đầu tư. Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Ngân hàng “cộng sinh” với doanh nghiệp Những động thái của ngành Ngân hàng đã thể hiện trách nhiệm và sự đồng hành với khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay. Các NHTM dưới sự chỉ đạo của NHNN cũng đã và đang có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm mặt bằng lãi suất, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi kích cầu, thủ tục vay cũng nhanh chóng hơn nhờ đẩy mạnh số hoá. Có thể khẳng định, các ngân hàng đã thể hiện mối quan hệ cộng sinh với doanh nghiệp. Thực tế, ngân hàng và doanh nghiệp luôn cần có nhau. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, kinh doanh tiền tệ, huy động để cho vay, vì vậy cho vay mới có phát sinh lợi nhuận. Khi nguồn vốn nằm ở ngân hàng mà không tới tay doanh nghiệp thì cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng ảnh hưởng. Vì vậy, các ngân hàng cũng đã làm mọi biện pháp để kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia. Trong đó, mỗi chính sách theo đuổi một mục tiêu cụ thể và tuân thủ những quy luật riêng, song đều hướng tới mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời có mối quan hệ tương tác lẫn nhau cả trong ngắn và dài hạn. Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn trong điều hành chính sách tài khóa sẽ có thêm sự chủ động, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ngoài ra, chính sách tài khoá phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho chính sách tiền tệ. Với những giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp cùng hệ thống NHTM phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước ngày thêm hùng cường, cùng “qua cơn bĩ cực để tới hồi thái lai”. Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Tìm mọi biện pháp vượt khó Bắt đầu từ quý IV/2022 đến thời điểm hiện tại, các ngành như may mặc, chế biến, chế tạo, xuất khẩu… đều rơi vào khó khăn. Ngành dệt may nói chung và Tổng công ty May 10 nói riêng đã bị ảnh hưởng do tổng cầu sụt giảm. Đối với May 10, các đơn hàng xuất khẩu cho các thị trường truyền thống sụt giảm khá lớn từ 20-30% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, May 10 cũng chưa bị sụt giảm nhiều như các đơn vị khác. Trước bối cảnh đó, ban lãnh đạo công ty đã sử dụng mọi biện pháp, đặc biệt là trong nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới, cùng với đó, tập trung vào thị trường trong nước với 100 triệu dân. May 10 cũng là một trong số ít những đơn vị ngành may tham gia kinh doanh thời trang công sở trong nước và được người tiêu dùng tin tưởng trong suốt hơn 30 năm qua, chính vì vậy, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, thì thị trường nội địa sẽ là “bến đỗ” đầy tiềm năng. May 10 đã tăng năng lực sản xuất thị trường nội địa 30% so với cùng kỳ. Về tiếp cận tín dụng, là đơn vị uy tín trong ngành, nằm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, May 10 không gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, ngân hàng xếp May 10 vào khối doanh nghiệp lớn, uy tín. Tuy nhiên, thời gian qua, May 10 cũng đã linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Mặt khác, bản thân May 10 cũng sụt giảm nhu cầu về vốn bởi, trong năm 2023 mọi thứ cần giải ngân cho các đơn hàng đều đã giảm, đặc biệt là chi phí đầu vào. Vì vậy, do tổng cầu giảm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp không cao như năm 2022. Rõ ràng có thể thấy, nhu cầu vốn phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy khi doanh nghiệp dần hồi phục thì cầu tín dụng cũng sẽ tăng lên. |