Thách thức chuyển đổi số ngành nông nghiệp
Thách thức số hóa ngành Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ 5.0 trong ngành nông nghiệp |
Có thể kể đến trang trại Mê Kông Farm, huyện Kon Plông (Kon Tum) với khu vườn trồng rau, hoa xứ lạnh có diện tích 4.000m2 được ứng dụng số trong hệ thống tưới tiêu, lập trình tự động. Kết quả là lợi nhuận tăng khoảng 30%, đồng thời giảm được chi phí nhân công. Bên cạnh đó, tiết kiệm được khoảng 60% lượng nước, phân bón hòa vào nước cũng sẽ tưới cho cây đều hơn, chất lượng nông sản cũng tăng lên.
Hay như sự thành công của hợp tác xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei (Kon Tum) khi áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc và nhãn mác để quảng bá sản phẩm vào năm 2023. Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, hợp tác xã tiếp cận được nhiều thị trường mới, được khách hàng tin tưởng hơn, tăng cường uy tín cho sản phẩm.
Theo TS. Phạm Ngọc Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đổi mới và Phát triển bền vững, sự khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật số vào toàn bộ hoạt động, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp giúp người nông dân đưa ra những quyết định phù hợp, giảm được chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm nguồn nước và tăng năng suất cây trồng, giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp có thể giảm được khoảng 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%. Nhờ đó, tăng thu nhập cho nông dân. Việc ứng dụng công nghệ số cũng giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số về chất lượng nông sản, vệ sinh - an toàn thực phẩm để yên tâm sử dụng.
Để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, tháng 11/2021, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Đến năm 2025, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-25% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 25-30% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; toàn tỉnh có 10 vùng nông nghiệp, 15 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao.
Với sự vào cuộc quyết liệt, việc số hóa trong ngành nông nghiệp được thúc đẩy mạnh ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón...) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Dù việc chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, song việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất đang gặp khó khăn. Điều đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành nông nghiệp và các ngành khác có liên quan đến nông nghiệp của tỉnh Kon Tum.
Vậy nên, để số hóa thành công, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cần phải triển khai các giải pháp trên nhiều phương diện. Nhà nước và doanh nghiệp, hợp tác xã cần thể hiện vai trò rõ ràng hơn trong hỗ trợ nông dân chuyển đổi số.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể. Nhất là đổi mới mô hình quản trị và đẩy mạnh tự động hóa, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản…