Tăng trưởng sẽ tích cực hơn cả về lượng và chất
Động lực mới cho tăng trưởng về chất Kỳ vọng đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực TP. Hồ Chí Minh: Tín dụng tháng 6 tăng cao nhất nửa đầu năm |
Nhìn nhận của ông về triển vọng kinh tế năm nay?
Chúng tôi nhìn nhận kinh tế thế giới vẫn có những rủi ro, bất định cần theo dõi, nhưng cũng có xu hướng mới tích cực, có thể mang lại tác động lan tỏa cho nhiều nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong đó, xu hướng tích cực là chuyển động của các công nghệ mới, một số nền kinh tế đã phục hồi rõ nét hơn và triển vọng hạ lãi suất điều hành thời gian tới của họ đang sáng hơn nhiều, hay các FTA được ký kết nhiều hơn giữa một số nhóm nền kinh tế sẽ giúp cho thương mại và đầu tư trong thời gian tới được cải thiện hơn… Từ những thực tế như vậy, chúng tôi thấy cần xây dựng, đánh giá các kịch bản, xu hướng của nền kinh tế trên những góc độ phù hợp và chúng tôi đưa ra hai kịch bản.
Kịch bản thông thường (dự báo GDP năm 2024 tăng 6,55%; CPI tăng 4,31%) dựa trên những cảm nhận, xu hướng diễn biến chính sách trong thời gian vừa qua và nếu trong 6 tháng cuối năm chúng ta vẫn duy trì những động lực về chính sách như vậy, kèm theo những yếu tố như: Giữ được xu hướng và niềm tin của nhà đầu tư, giả thiết kinh tế thế giới tiếp tục duy trì được các yếu tố phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế (ví dụ, giữ được đà phục hồi đúng như dự báo của WB), hay các diễn biến lạm phát tại Mỹ thuận lợi hơn.
Đối với kịch bản tích cực, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,95%; CPI bình quân cả năm tăng 4,12%.
Cơ sở nào để GDP có thể tăng trưởng 6,95%, thưa ông?
Đối với kịch bản tích cực, chúng tôi có nhìn nhận thêm là kinh tế thế giới có thể phục hồi nhanh hơn, một số nền kinh tế lớn họ quyết liệt hơn trong việc hạ lãi suất, từ đó tác động tích cực đến tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu. Một xu hướng đã có là giá cả hàng hóa trên thị trường toàn cầu có thể tiếp tục hạ nhiệt. Như số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giảm khoảng 2,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong kịch bản cao này, chúng tôi đề xuất giả thiết là mức giảm giá nhập khẩu trong năm 2024 có thể ở mức 4%. Nếu như điều này xảy ra thì áp lực đối với Việt Nam sẽ giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, những cải cách mạnh mẽ để tăng cường chất lượng của tăng trưởng, tập trung vào năng suất và chất lượng đầu tư, cũng như liên kết vùng và các mô hình kinh tế mới cũng là các nội dung được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong thời gian vừa qua và chúng ta đã thấy rất nhiều chuyển biến tích cực. Và tôi tin chúng ta sẽ tiếp tục thấy được các tác động có độ trễ trong trong thời gian tới và sẽ được phản ánh qua những kết quả kinh tế xã hội trong 6 tháng cuối năm.
Chúng tôi kỳ vọng, nếu làm tốt những cải cách mà Việt Nam đang thực hiện, để những cải cách ấy sớm phát huy tác động đối với năng suất lao động, đối với hiệu quả hoạt động của khu vực công và tạo được sức lan tỏa đối với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thì Việt Nam cũng có thể hy vọng tích cực về kết quả tăng trưởng cũng như lạm phát. Và nếu như chúng ta có thêm một chút thuận lợi từ diễn biến kinh tế thế giới thì kết quả có thể chúng ta đạt được kịch bản tăng trưởng GDP khoảng 7%, lạm phát bình quân khoảng 4,12% năm nay.
Kinh tế thế giới phục hồi sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh |
Trong trường hợp đạt được kịch bản cao như vậy, theo ông áp lực đối với chính sách tiền tệ những tháng cuối năm là gì?
Có thể nói trong 6 tháng đầu năm, điều hành tiền tệ có rất nhiều điểm sáng. Trong đó về điều hành lãi suất, Việt Nam vẫn duy trì được mặt bằng lãi suất thấp. So với nhiều nền kinh tế, Việt Nam là nước đi đầu trong giảm mặt bằng lãi suất. Trong khi đó hiện nay, rất nhiều nền kinh tế phát triển vẫn đang giữ lãi suất ở mức cao và trong thời gian có lẽ sẽ còn dài hơn cả dự kiến.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã thành công trong điều hành tỷ giá. Diễn biến tỷ giá trong trong 6 tháng đầu năm cho thấy, NHNN đã rất linh hoạt, chủ động và cũng rất chặt chẽ. Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định và thách thức vừa qua, rõ ràng biến động tỷ giá là không thể tránh khỏi, nhưng mức độ biến động hàng tháng giữa VND so với USD trên thị trường Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với biến động của chỉ số Dollar Index trên thị trường quốc tế. Điều này có nghĩa là, khi nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đến đầu tư, mở rộng đầu tư ở Việt Nam - bên cạnh các yếu tố chính sách khác - thì họ sẽ được hưởng lợi từ việc tỷ giá ổn định hơn. Đây cũng là câu chuyện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạch định sản xuất kinh doanh.
Hướng tới tương lai, yêu cầu và áp lực với điều hành đối với chính sách tiền tệ vẫn là rất lớn, kỳ vọng cũng rất nhiều. Ví dụ hiện nay là câu chuyện chúng ta đang có rất nhiều kịch bản liên quan đến điều hành lãi suất của các nền kinh tế khác, mà trong đó đều là những đối tác lớn của Việt Nam. Hay trong nước, Thủ tướng yêu cầu về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có chất lượng, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế và phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp cũng là một yêu cầu rất khó đối với ngành Ngân hàng. Nhưng tôi tin rằng, với những kinh nghiệm điều hành của NHNN trong thời gian vừa qua và kỳ vọng chúng ta có những thuận lợi hơn từ đà phục hồi của kinh tế thế giới thì điều hành chính sách tiền tệ vẫn sẽ phát huy được vai trò tích cực, đóng góp vào kết quả tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong cả năm 2024.
Xin cảm ơn ông!
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP (Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 6,5%; Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm đạt 7%), trong đó kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng đạt mức cao 7%. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với kết quả 6 tháng đầu năm tích cực, rất kỳ vọng vào kết quả tăng trưởng cuối năm 2024 sẽ khả quan hơn nữa khi chúng ta khắc phục hạn chế đồng thời tận dụng tốt các yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng. Để đạt kịch bản tăng trưởng cả năm đạt 7%, tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, quý III và IV cần lần lượt tăng khoảng 7,4 -7,6%. Các yếu tố tích cực được Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhắc tới gồm: (i) Xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực và thế giới; (ii) Động lực để đầu tư tăng trưởng tích cực; (iii) Các động lực về xuất khẩu đã phục hồi và tỷ lệ các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng lên nhanh chóng; (iv) Du lịch phục hồi khá mạnh mẽ, tác động tích cực đến khu vực dịch vụ; (v) Quốc hội đã thông qua hiệu lực của 3 luật rất quan trọng (Luật Đất đai, Luật Bất động sản và Luật Kinh doanh nhà ở), các luật này sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản; (vi) Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ rất quyết liệt, trong đó có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là 4 địa phương là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phải quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng. |