Ngành Ngân hàng Nghệ An nỗ lực chuyển đổi số
Thành công của Ngân hàng số đến từ trải nghiệm người dùng cuối | |
Chuyển đổi số mang lại nhiều thuận tiện, lợi ích cho khách hàng | |
Phát triển công nghệ mới dẫn lối cho ngân hàng số |
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Nhận thức được tính cấp bách và vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động và phát triển của ngành Ngân hàng, thời gian qua ngành Ngân hàng Nghệ An đã không ngừng nỗ lực triển khai việc thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn. Tại NHNN Chi nhánh Nghệ An đã thực hiện việc đổi mới hoạt động quản lý theo hướng hiện đại, ứng dụng và khai thác hiệu quả công nghệ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Ngành và địa phương đề ra. Cụ thể như dịch vụ công được nâng cấp lên mức độ cao hơn và tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Hồ sơ công việc của CBCC được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng; Chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ được ký số, gửi qua hệ thống công nghệ thông tin; Hoạt động kiểm tra, giám sát đang được thực hiện song song qua môi trường số.
Hội nghị kết nối Tài chính - Ngân hàng năm 2022 được tổ chức tại Nghệ An |
Về phía các TCTD, với tiêu chí tiếp cận “Chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững”, nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Các TCTD trên địa bàn bước đầu đã hình thành được hệ sinh thái số. Các nghiệp vụ thanh toán về cơ bản được số hóa hoàn toàn, hệ thống thanh toán đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, áp dụng công nghệ QR, NFC, eKyc trong hoạt động thanh toán mở tài khoản thẻ từ xa. Các công nghệ như AI/ML, Bigdat, Cloaid-computing… được ứng dụng trong các dịch vụ, quy trình nghiệp vụ; Kết nối, mở rộng hệ sinh thái cung ứng dịch vụ qua API, Open banking. Cụ thể: TPbank với Livebank phục vụ khách hàng 24/7; hay như Techcombank với F@st Mobile, VPBank với VPBank Neo đều cung cấp rất nhiều dịch vụ tiện ích cho khách hàng từ chuyển tiền miễn phí, gửi tiết kiệm, mở tài khoản số đẹp, mở khoản vay… Nam Á Bank cũng đang cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao như Robot OPBA, Tablet, ứng dụng Open Banking… Những ứng dụng số hoá đó đã giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động, tăng doanh thu, mở rộng tệp khách hàng...
Hiện tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt trên 75% (vượt kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng là 65-70%)… Việc triển khai chuyển đổi số của các NHTM đã giúp đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng, tạo điều kiện cho những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Ngân hàng số được tích hợp nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trên môi trường số mà không cần đến quầy giao dịch như trước đây. Chỉ cần vài thao tác đơn giản cài đặt ứng dụng ngân hàng số vào điện thoại thông minh, khách hàng có thể trải nghiệm hàng loạt các dịch vụ như: mở và quản lý tài khoản, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, vay trực tuyến, thanh toán QR code, nạp tiền điện thoại, đặt mua vé tàu, xe, máy bay, vé xem phim, phòng khách sạn, đi chợ online, thanh toán hóa đơn điện nước hay thanh toán thuế. Ngoài ra, ứng dụng của một số NHTM còn có tính năng mua bảo hiểm, liên kết tài khoản thanh toán ví điện tử. Khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch chỉ với một lần truy cập ứng dụng. Qua đó giao dịch trực tuyến qua Internet Banking, Mobile Banking có xu hướng tăng trưởng mạnh.
Phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ
Không chỉ đóng vai trò là trung gian tài chính, ngành Ngân hàng Nghệ An không ngừng phát triển các dịch vụ ngân hàng, mở rộng và phát triển mạng lưới đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, trong đó nổi bật là dịch vụ thanh toán và các dịch vụ liên quan hoạt động ngoại hối. Thông qua hoạt động dịch vụ thanh toán, với các phương thức TTKDTM, đảm bảo nhanh - chính xác - an toàn nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, đã tạo điều kiện cho nguồn vốn của các doanh nghiệp chu chuyển thuận lợi, nhanh chóng, là cơ sở đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn của các doanh nghiệp - tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; phục vụ tốt cho quá trình trao đổi và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế phát triển, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Kết quả đạt được từ chuyển đổi số là lực đẩy trọng tâm góp phần đẩy mạnh TTKDTM trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các ngân hàng trên địa bàn chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, mở rộng độ bao phủ các điểm cung ứng dịch vụ của các TCTD ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là thanh toán điện tử nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến các huyện, thị trấn trong tỉnh, trên địa bàn hiện có 325 ATM (tăng 3 ATM so với năm 2021); 2.258 POS (tăng 506 máy, bằng 28,6% so với năm 2021). Số lượng giao dịch qua Internet Banking đạt 15.473.154 giao dịch, với giá trị 154.370 tỷ đồng (tăng 53% về số lượng, 26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021). Số lượng giao dịch qua Mobile Banking 47.995.653 giao dịch với giá trị là 442.931 tỷ đồng (tăng 58% về số lượng, 106% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021); số lượng thẻ đang lưu hành hơn 1,9 triệu thẻ. Trong những năm gần đây dịch vụ thẻ thanh toán được các ngân hàng quan tâm và ngày càng nâng cao chất lượng.
Năm 2022 cũng là năm thứ 2 của giai đoạn 2021-2025 thực hiện đề án TTKDTM. Hoạt động chuyển đổi số nói chung và phát triển TTKDTM nói riêng luôn được NHNN Chi nhánh Nghệ An quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, NHNN Chi nhánh Nghệ An đã chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh TTKDTM mặt trên địa bàn, trong đó chú trọng thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thanh toán phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí, chi trả an sinh xã hội trên địa bàn; Cung cấp các giải pháp không dùng tiền mặt liên quan đến thanh toán phí và lệ phí dịch vụ hành chính công trên cổng dịch vụ công hệ thống một cửa điện tử của tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia…
Tuy có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, song hoạt động chuyển đổi số, TTKDTM trên địa bàn còn gặp phải một số khó khăn, thách thức như: Một số quy định còn chưa phù hợp, chưa tạo bước đột phá cho các giao dịch điện tử trong bối cảnh mới. Một số nghiệp vụ ngân hàng có tiềm năng số hóa cao (như cho vay, tài trợ thương mại…) chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Hệ thống hạ tầng công nghệ của một số NHTM chưa đáp ứng được hết nhu cầu phát triển, tăng trưởng của thị trường; Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác chuyển đổi số am hiểu cả về công nghệ và nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các bên cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ còn phải đối mặt với tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, hoạt động trên phạm vi toàn cầu; tình trạng gian lận thanh toán, lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài khoản người dùng ngày càng nhiều…
Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Thu cho biết: Thời gian tới, nhằm phục vụ ngày một tốt hơn cho nền kinh tế của tỉnh và khu vực Bắc miền Trung, ngành Ngân hàng Nghệ An tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Tăng cường huy động vốn và mở rộng đầu tư tín dụng một cách an toàn, hiệu quả; tiếp tục xử lý, thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đẩy mạnh thực hiện Đề án TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030 và Chiến lược tài chính toàn diện trên địa bàn tỉnh.