Ngân hàng tích cực tiếp sức doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi
Tìm giải pháp để DNNVV và ngân hàng “xích lại gần nhau” Ra mắt dịch vụ đảm bảo thương mại dành cho các DNNVV Việt Nam BIDV: Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam |
Theo “Báo cáo SME Việt Nam năm 2023”, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo số lượng SME tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng giới chuyên gia đánh giá, một trong những khó khăn phổ biến của doanh nghiệp SME hiện nay là tình trạng thiếu hụt vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù chính sách vay vốn đã cởi mở hơn trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn tín dụng. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp SME thường không đáp ứng đủ yêu cầu cấp tín dụng của ngân hàng, điển hình như: tài sản bảo đảm không đủ điều kiện; thông tin tài chính không rõ ràng, đầy đủ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp SME chưa dành nhiều thời gian để xây dựng và duy trì quan hệ tín dụng lâu dài với các ngân hàng và tổ chức tài chính. Điều này cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến việc doanh nghiệp SME khó nhận được nhiều ưu đãi về lãi suất và chính sách dịch vụ từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng, buộc các doanh nghiệp phải tìm đến các nguồn tín dụng phi chính thức. Do đó, đòi hỏi các ngân hàng phải liên tục cải tiến quy định, cung cấp nhiều gói vay linh hoạt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp SME tiếp cận vốn thuận lợi và hiệu quả hơn.
Các ngân hàng đang tích cực tiếp sức doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, ảnh: ST |
Đồng hành cùng doanh nghiệp SME, Eximbank cho biết đã chính thức triển khai giải pháp vay vốn E-Fast. Đây là giải pháp vay tối ưu và được thiết kế chuyên biệt cho khách hàng SME có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi và quy trình đơn giản hóa. Theo đó, với gói tín dụng lên đến 5.000 tỷ đồng, ngân hàng này giúp doanh nghiệp SME nhanh chóng giải quyết “bài toán khó” về vốn vay trong điều kiện tham gia như: hạn mức cấp tín dụng nhanh lên tới 15 tỷ đồng/khách hàng, phê duyệt trong vòng 4 giờ, lãi suất hấp dẫn 5,25%/năm và cố định trong suốt thời gian ưu đãi.
ABBANK cũng đang triển khai chương trình gói tín dụng ‘Kết nối nhu cầu - Mở rộng giải pháp’ với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm, tổng hạn mức của các gói vay lên tới 5.000 tỷ đồng, được triển khai từ nay đến hết 30/9. Ông Phạm Duy Hiếu, quyền tổng giám đốc ABBANK chia sẻ: “Là một đối tác tài chính luôn đồng hành với khách hàng trong mọi cơ hội phát triển kinh doanh, ngân hàng chọn sự linh hoạt trong các chính sách và gói dịch vụ, đồng thời không ngừng cải thiện năng lực phục vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính ngày càng đa dạng và nâng cao của khách hàng”.
Tiếp tục đồng hành cùng khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, BVBank cũng triển khai gói vay ưu đãi dành cho SME. Đây là một trong các nỗ lực của BVBank đồng hành cùng doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nắm bắt cơ hội khởi sắc kinh doanh ngay từ đầu quý II/2024. Khách hàng doanh nghiệp SME vay vốn sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm. Tổng hạn mức gói vay ưu đãi lên đến 1.400 tỷ đồng. BVBank hy vọng với chương trình ưu đãi lãi suất này, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, kịp thời nắm bắt các cơ hội kinh doanh.
“Tình hình kinh tế đang khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực, do đó các doanh nghiệp và cá nhân đều muốn nắm bắt cơ hội này để hiện thực các dự định kinh doanh và mục tiêu cá nhân. Thấu hiểu điều đó, trong thời gian qua BVBank liên tục triển khai các gói vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn cạnh tranh cùng chính sách linh hoạt giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đúng thời điểm. Năm 2023, quy mô cho vay khách hàng của BVBank đạt 57.800 tỷ đồng - tăng 13,6% so với cùng kỳ - đây là mức tăng trưởng đáng kể trong bối cảnh toàn ngành. Hy vọng với chương trình lần này, một lần nữa khách hàng sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh”, đại diện BVBank chia sẻ.
Các chuyên gia đánh giá, các SME tại Việt Nam cũng ngày càng cạnh tranh và đứng trước thách thức về tài chính từ tìm nguồn vốn khởi nghiệp, quản lý doanh thu, chi phí hằng ngày… Do đó, tối ưu hóa chi phí và nguồn lực sẽ trở thành vấn đề sống còn. Quản lý tài chính chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với SME, họ cần giải pháp tài chính dễ dàng, tối ưu hóa quản lý tài chính… Vì vậy, bên cạnh giải pháp vay vốn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn và dài hạn, các DNNVV rất cần giải pháp hỗ trợ thanh toán, quản lý tài chính bền vững. Các nhà băng bên cạnh vốn ưu đãi cũng cần thiết kế thêm nhiều sản phẩm nhằm giúp các SME quản trị “sức khoẻ” một cách tốt hơn, từ đó đáp ứng tốt khi biến động xảy ra và cũng là cơ sở để tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn từ ngân hàng.