Mở đường cho Open API trong ngành Ngân hàng
Tối ưu tiện ích cho khách hàng từ Open API Dấu ấn BIDV tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 Open Banking - Tương lai để mở rộng hệ sinh thái số ngành Ngân hàng |
Xu hướng mới trong ngành Ngân hàng
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, khác với mô hình ngân hàng truyền thống là khép kín, khó chia sẻ và tích hợp dữ liệu với bên ngoài thị trường (chủ yếu chỉ có các ngân hàng truyền thống), tính linh hoạt thấp, ít có sự liên thông giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ cho khách hàng..., thì với mô hình ngân hàng mở (Open Banking hay Open API), hệ sinh thái hợp tác nơi các ngân hàng, Fintech và các bên thứ ba khác kết nối và chia sẻ dữ liệu qua API.
Dữ liệu được chia sẻ cho phép phát triển các sản phẩm và dịch vụ đổi mới sáng tạo phục vụ việc cá nhân hóa nhu của khách hàng. Đặc biệt, hệ sinh thái mở, có nhiều tổ chức Fintech, bên thứ ba tham gia thị trường và hợp tác với ngân hàng, khách hàng là trung tâm, nhiều lựa chọn hơn, dịch vụ được cá nhân hóa tốt hơn.
Hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ mở đường cho Open API trong ngành Ngân hàng, ảnh: ST |
Số liệu thống kê cho thấy, trên thế giới, ít nhất 87% quốc gia đã triển khai các hình thức khác nhau của ngân hàng mở thông qua giao diện lập trình ứng dụng mở. Ngân hàng mở cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua các giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API) được bảo mật.
Còn tại Việt Nam, ngân hàng mở cũng đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Có thể kể đến như VietinBank ra mắt VietinBank iConnect năm 2019, cung cấp nền tảng chia sẻ Open API nhằm hỗ trợ các đối tác số tham khảo, thử nghiệm và phát triển các ứng dụng phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình, mỗi tháng có trên 55 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng VietinBank iConnect; hay BIDV ra mắt BIDV Open API ngày 29/11/2023, cung cấp 15 gói API và chỉ sau hơn 3 tháng (đến tháng 3/2024), đã có gần 60 đối tác trải nghiệm hệ thống BIDV Open API (với hơn 17.000 lượt thử nghiệm trên môi trường sandbox) và đăng ký tích hợp với BIDV… Đại diện BIDV cho biết, ước tính đến năm 2025, 500.000 khách hàng doanh nghiệp, 1 triệu khách hàng tiểu thương và hàng triệu khách hàng cá nhân sẽ được cung cấp các tiện ích từ hệ thống BIDV Open API.
Dù đang có những kết quả tích cực bước đầu nhưng ông Vũ Anh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm nền tảng và định danh số, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT IS nhận định, mô hình Open Banking hay Open API tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, phần lớn do ngân hàng và đối tác tự xây dựng dựa trên nhu cầu của nhau. Quá trình triển khai vẫn còn tồn tại ba thách thức lớn cần tháo gỡ để tự tin đi theo hướng ngân hàng mở đó là: Vấn đề quản trị dữ liệu; an toàn bảo mật; nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật (khi chưa có quy định chung nào về tiêu chuẩn kỹ thuật khi đưa vào thực tế giữa các tổ chức). Trong khi đó, nhu cầu của khách hàng rất lớn và mong muốn của các TCTD, của các doanh nghiệp cũng rất nhiều.
Cú hích từ hành lang pháp lý
Xuất phát từ thực tiễn cần thiết một hành lang pháp lý cho ngân hàng mở, NHNN Việt Nam hiện đang dự thảo Thông tư quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để thúc đẩy thực hiện các hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử.
NHNN cho biết, ngành Ngân hàng Việt Nam đã tiếp cận, nghiên cứu và ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ chuyển đổi số từ khá sớm. Một trong những công nghệ đột phá gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 là kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), công nghệ này đã được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo.
Open Banking – Open API là một lĩnh vực mới cả về kỹ thuật và pháp lý ở Việt Nam và trên thế giới. Các thách thức khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và khung pháp lý. Ngành ngân hàng đã bước đầu triển khai Open API, cho phép các đối tác kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu…, song hiện nay phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng ngân hàng.
Cụ thể, mỗi một ngân hàng sử dụng một tiêu chuẩn API, tiêu chuẩn an ninh bảo mật khác nhau dẫn đến thị trường bị phân mảnh, việc hợp tác của các công ty Fintech với các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn khi cung cấp dịch vụ ra thị trường tốn nhiều nguồn lực, thời gian, chi phí để chỉnh sửa phần mềm phù hợp với tiêu chuẩn Open API của từng ngân hàng.
Hiện nay chưa có chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối…, hành lang pháp lý, chưa có quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật và lộ trình triển khai Open API trong ngành Ngân hàng.
Do đó, việc ban hành Thông tư quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành Ngân hàng là cần thiết và cấp thiết để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt trong việc kết nối và xử lý dữ liệu của khách hàng một cách an toàn, tạo ra những sản phẩm dịch vụ sáng tạo mới đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng.
Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo Thông tư được xây dựng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tạo lập cơ sở pháp lý để thúc đẩy thực hiện các hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử; cho phép các bên thứ ba truy cập thuận tiện và an toàn dữ liệu của khách hàng khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng để theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Dự thảo Thông tư gồm 03 Chương, 13 Điều và 02 Phụ lục với nội dung cơ bản là quy định Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật khi triển khai Open API; danh mục hàm API chi tiết; Quy chế khai thác chia sẻ dữ liệu; Lộ trình triển khai; Quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu qua Open API và điều khoản thi hành.
Các chuyên gia đánh giá, với việc có quy định và lộ trình triển khai Open API rõ ràng, các ngân hàng sẽ mạnh dạn hơn trong việc thúc đẩy phát triển mô hình mở trong thời gian tới, cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng.